Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Đồng tiền đi trước là đồng tiền KHÔN







Đồng tiền đi trước là đồng tiền KHÔN , đồng tiên đi sau là đồng tiền gì.

Ai cũng biết rằng đồng tiền không xấu, nó xấu hay tốt phụ thuộc vào người dùng. Nó KHÔN  hay ngu phụ thuộc vào người dùng. Đồng tiền hoàn toàn vô tri vô giác. Tại sao chúng ta lại đánh giá nó như đánh giá một con người. Việc đặt hệ quy chiếu một vật vô tri vô giác vào hệ quy chiếu của con người là một việc làm hoàn toàn sai lầm.  Hơn nữa, phạm trù KHÔN  hay ngu cũng chỉ mang tính tương đối và chỉ mang tính thời điểm. Có những quan điểm hiện tại là khôn nhưng ngày mai nó là dại, cũng có những quan điểm hôm nay là dại nhưng ngày mai lại là ý tưởng mới …. Việc tôn sùng đồng tiền, để đồng tiền lên đầu, phong cho đồng tiền danh hiệu này danh hiệu kia là một việc làm hết sức nguy hiểm. Nó phản ánh một xã hội cằn cỗi trong tư duy đánh giá. Nghèo nàn trong cách nghĩ cách làm và xuống cấp về đời sống tinh thần .

Khi 1 quan niệm sai lầm được lịch sử bao bọc bằng bề dày của nó thì sự tác động tới nhân sinh quan, thế giới quan của những người sống trong xã hội đó chắc chắn bị ảnh hưởng rất nhiều. Hỏi sao người  ta hay dùng tiền để giải quyết mọi việc, mặc dù đau lắm, tiếc lắm, xót lắm. Biết là sai đấy nhưng vẫn cố phọt tiền ra trước . Vì ai cũng cho rằng như thế thì mới KHÔN. Và ai cũng muốn KHÔN.

Có hai loại đưa tiền đi trước .Loại 1 là đồng tiền đi trước  nghiêng về mặt đầu tư, đầu tư để mang về khoản  lớn hơn. Dám chấp nhận rủi ro bỏ tiền ra làm ăn sớm khi người khác còn chần chừ,   và loại thứ 2 là  dùng tiền để đi đêm, hối lộ, dùng tiền để bôi trơn, dùng tiền để lót đường.…. để đạt được một mục đích gì đó mà lẽ ra đồng tiền không được phép xuất hiện.

Loại thứ nhất thì ít lắm. nó chỉ chiếm 1%  bởi đó là những doanh nhân . Nhưng loại thứ 2 thì nhiều vô kể. Từ người có địa vị cao đến người không có địa vị,  không phân biệt vùng miền .Ai ai cũng sẵn sàng phọt tiền ra để đạt được mục đích trước mắt của mình, để được KHÔN   và ở đời ai chả muốn KHÔN. Vậy nên việc phọt tiền ra càng nhanh hơn người khác thì càng khẳng định mình KHÔN  hơn người . Người nào phọt tiền ra trước thì được gọi là ” biết thời thế “. Người đưa tiền thì ít nhưng kẻ nhận tiền thì nhiều lắm. Và kẻ nhận tiền thì lúc nào cũng muốn người đưa tiền càng KHÔN càng tốt.

Thế  đồng tiền đi sau chắc là  đồng tiền ngu. Còn kẻ không  dùng tiền thì chắc là vô cùng ngu.

Thế thì các công ty cho người dùng sử dụng miễn phí dịch vụ của mình như Google hay Facebook là ngu số 1. Vì họ đâu có thu tiền người sử dụng trước khi cung cấp dịch vụ. Như ở Việt Nam ta làm cái gì cũng xằng phẳng trắng phớ, tiền trao cháo múc, bất kì một cái gì cũng đè cổ ra lấy tiền trước. Một con gà gánh 14 loại phí, đi đường mất phí, đi học mất phí, vào viện mất phí, đi vệ sinh công cộng cũng có người ngồi thu phí. ….. thế là nước ta KHÔN  nhất thế giới. Mặc dù người nước ta đọc 1 năm hết nửa cuốn sách. Chắc khôn quá rồi nên không cần đọc sách nữa. KHÔN  quá rồi nên không cần học nữa. Đi mua bằng nhanh hơn.

  KHÔN  như thế nên chắc Việt Nam ta rất giàu có, vì giàu có như vậy nên đụng vấn đề gì cũng thích dùng tiền giải quyết cho nhanh gọn, để đồng tiền lên đầu, anh em trong gia đình đâm chém nhau vì tiền, bạn bè hại nhau vì tiền, bác sĩ sẵn sàng làm chuyện trái với đạo đức nghề nghiệp  vì tiền, viên chức nhà nước thì sẵn sàng  làm chuyện đồi bại cũng vì tiền….  giờ làm cái gì mà chẳng phải “bôi trơn” bằng tiền. Mà cũng kì lạ thật. Đồng tiền làm được nhiều việc  như thế,  tiền Việt Nam  hữu dụng như vậy, ích lợi như vậy sao giá trị của nó thấp  thế nhỉ, đứng thứ 2 từ dưới lên về giá trị đồng tiền . Mâu thuẫn chưa.

Một xã hội trọng đồng tiền, tôn đồng tiền lên trước mọi giá trị cuộc sống là một xã hội tồi tệ. Xã hội tồi tệ bởi những nét văn hóa tồi tệ. Chính chúng ta là người tạo ra nó, thì hãy tìm cách thay đổi nó. Nói chung, ta quá quan trọng sức mạnh của đồng tiền đến nỗi quên đi những giá trị khác của cuộc sống, làm cho gía trị của đồng tiền trở nên sai lệch và đáng ghét.  Và nguy hiểm hơn, mỗi ngày dù vô tình hay cố ý, ta vẫn đang cố truyền lại những nét văn hóa xấu xí này cho các thế hệ sau. Làm sao để ngăn điều đó lại? Làm sao để dạy cho con cái ta rằng cuộc sống còn nhiều giá trị cao đẹp hơn những đồng tiền. Làm sao để cho chúng hiểu tiền bạc chỉ là một thứ công cụ, không phải mục đích, rằng con người nên tìm đến những giá trị nội tâm, hơn là giá trị bên ngoài? Làm sao để cho chúng có thể sử dụng đồng tiền một cách khôn ngoan và hữu ích?

4000 năm phong kiến chúng ta đã sai. Bây giờ chúng ta vẫn sai, chúng ta tự hào là phát triển cái này cái nọ, đổi mới cái này cái kia nhưng thực sự xã hội chúng ta, tư duy và suy nghĩ của chúng ta không khác gì thời phong kiến. Chúng ta như  một con kỳ nhông đổi màu để thích nghi với môi trường và tự hào rằng mình biến hóa giỏi nhưng con kì nhông thì nó vẫn là con kì nhông bất kể nó có biến thành mầu gì.

Kiếm tiền là tài năng nhưng tiêu tiền là văn hóa. Tôi sẽ không bàn tới việc tiêu tiền sao cho văn hóa bởi cái gọi là văn hóa cũng phụ thuộc vào quan niệm riêng của từng người. Tôi chỉ muốn mọi người đừng ban cho đồng tiền những thứ quyền lực mà bản thân nó không hề có. Đừng vì tham vọng thấp hèn của mình mà biến đồng tiền vô tri vô giác thành  kẻ chủ mưu của bao chuyện đồi bại để rồi lại tìm đủ nguyên nhân để biện hộ .  Đừng  đem nó ra làm quy chuẩn để đanh giá người khôn kẻ dại , người  này người kia. Như thế dốt nát, tối tăm  và lố bịch lắm.

 

 
  


 

 

 

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Ăn cắp ở Việt Nam




Ăn cắp ở Việt Nam  

Nói ra thì buồn. Ở  mình có thói ăn cắp  hở ra cái gì là mất cái đó. Sống trong một đất nước lúc nào cũng lo sợ bị "Ăn Cắp . Từ cái nhỏ đến cái lớn, từ cái hữu ích đến cái vô ích, tất cả đều bị ăn cắp. Người ta thi nhau ăn cắp đến tối tăm mặt mũi. Trung thực thường bị gọi là “ không biết thời thế”


Ăn cắp nhiều đến nỗi 
Có cả tục ngữ để hợp pháp hóa hành vi ăn cắp
 

Thằng to ăn to, thằng bé ăn bé, thằng đi chăn nghé thì ăn cái đòng đòng

Đó là một câu tục ngữ điển hình nguy hại.

Nhiều người đổ cho là “bần tiện thì sinh bất nhân”. Nghèo túng quá sinh trộm cắp vậy nhưng một thực tế mà tôi thấy người ta ăn cắp hàng ngày bất kể cuộc sống có dư dả cỡ nào đi chăng nữa. Và càng những người  có quyền có danh có phận thì lại là những kẻ ăn cắp cỡ bự . Xưa rồi cái hình ảnh  kẻ ăn cắp là những kẻ nghiện hút xăm trổ đầy mình. Kẻ ăn cắp bây giờ còn là những tay tri thức cuội với cổ cồn áo trắng đi xe đẹp ở nhà lầu và đeo kính trắng.

Bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã từng nói là.” Ở Việt Nam bây giờ cái gì người ta cũng ăn” , ăn ở đây là ăn cắp.

Bác sĩ ăn cắp tình thương. Ăn cắp  thuốc tiêm chủng ngừa bằng cách chia phân lượng thuốc tiêm ra nhiều phần, không đủ tiêu chuẩn, "ăn cắp" thủy tinh thể nhân tạo của Mỹ, rồi thay thế bằng sản phẩm Ấn Độ để "ăn cắp" giá tiền sai lệch . Thử vào bệnh viện  đi, nếu bạn không bồi dưỡng cho cô hộ lý thì đố bảo cô ấy thao tác nhẹ nhàng được. Làng tôi có một chú đi viện mổ ruột thừa chỉ vì quên chưa bồi dưỡng cho cô hộ lý mà khi thay bông băng cô ấy chẳng thèm bôi nước vào vết thương để lột bông băng ra, thay vào đó là cô ấy cầm tay lột mạnh một cái. Thử hỏi đối với một vết mổ mới được khâu mà lột bông băng như vậy thì người bệnh đau đến nỗi nào. Hàng ngày những câu chuyện được truyền tai khi đi bệnh viện, muốn tiêm không bị đau, muốn truyền dịch được nhẹ nhàng thì phải bồi dưỡng cô hộ lý như một hồi chuông gióng lên cảnh tỉnh về tình trạng tình thương giữa con người với con người bị ăn cắp nghiêm trọng

Giáo viên ăn cắp kiến thức . Tình trạng giáo viên lên lớp dạy qua loa giữ kiến thức để về nhà dạy thêm đã không còn xa lạ. Hồi cấp 3 tôi có cô giáo chủ nhiệm dạy môn Hóa, hầu như lên lớp cô chả dạy gì ngoài mấy công thức Hóa vớ vẩn, nếu không đi học thêm thì không thể nào thi đỗ đại học được với cái kiểu dạy dỗ như vậy. Đó là còn chưa kể đến trường hợp Giáo sư "ăn cắp" công trình trí tuệ của người khác, ăn cắp đề tài khoa học của người khác. Cái này đầy rẫy ra đó .

Thằng nhà thầu thì ăn cắp sắt thép nhựa đường xi măng. Ông chủ ăn cắp cái lớn,  nhân viên ăn cắp cái nhỏ, chị đồng nát thì ăn cắp sắt vụn . Điều này giải thích vì sao đường xá ở việt nam mình chưa làm đã hỏng, chất lượng vô cùng tồi tệ nhưng chi phí thì lại cao hơn cả bên Mỹ tới 10 lần. Nếu ai đọc đến đây mà chửi tôi là tôi nói xấu hết người này người khác thì hãy bỏ thời gian qua nước ngoài đi để mở to mắt ra xem đường xá của họ, xem cách họ làm việc, cách họ bán  hàng rồi hãy chửi tôi.

Còn vài thằng nữa ăn cắp  gấp mấy lần  nhưng tôi chán chẳng thèm kể  chúng nó ra đây bởi ai cũng biết chúng nó là ai rồi.

Tôi cũng  không muốn liệt kê mấy kẻ ăn cắp xe, ăn cắp chó, hay ăn cắp điện thoại…. bởi đó là bọn ăn cắp tép riu. Nạn nhân của chúng chỉ là một cá thể. Cái ăn cắp mà tôi muốn bàn tới ở đây là đạo đức xã hội với một quy trình ăn cắp bài bản được hợp thức hóa và được ngụy trang bằng vẻ ngoài hào nhoáng. Cái đó mới là cái nguy hiểm .

Nhưng tóm lại chúng cũng  là một lũ ăn cắp. Chúng giống nhau vì  tâm hồn thì như một vũng bùn lầy, đạo đức của chúng đều bốc mùi  và thủ đoạn ăn cắp thì tinh vi hơn cả hệ điều hành IOS

Vừa rồi tôi có đi Thái Lan . Cộng đồng người việt mình bên đó kinh doanh và làm ăn rất khá. Khi tôi  hỏi về kỉ niệm khi hồi hương du lịch thì chỉ nhận được những cái lắc đầu. Những câu nhận xét ngô nghê khi vốn tiếng việt không rành  về ăn cắp cũng như lừa đảo ở việt nam  mà họ gặp phải khi đi du lịch làm tôi vừa buồn cười vừa xấu hổ. Chấp nhận sao nổi khi mình mua 7 con cá mực to nặng 1 cân để rồi khi về nhà mới phát hiện ra đã bị đánh tráo thành cá mực nhỏ.  Lúc đó tôi chỉ muốn có chỗ nào để chui xuống bởi xung quanh chỉ có 1 mình tôi là người Việt chính gốc.

Khi mà mất đồ người ta không chỉ chửi thằng ăn cắp mà còn chửi luôn cả người bị mất cắp là không có kĩ năng bảo quản đồ đạc thì thực trạng xã hội đã rất trầm trọng. Khi mà người dân thành phố phải sống trong hàng rào dây thép gai sau một cánh cổng sắt cao 2 mét với camera giám sát mà vẫn không cảm thấy an toàn. Khi mà mặt hàng cửa chống trộm vẫn là mặt hàng bán chạy thì khi đó chúng ta còn phải cảnh giác tất cả những nghi vẫn xung quanh mình. Thử về hà nội mà xem. Ví dụ điển hình là khu đô thị Mĩ  Đình  với những biệt thự hàng chục tỉ được bao vây xung quanh kín kẽ tới mức tôi buột miệng ra 2 câu thơ

                                                  Nhìn xa thì tưởng nhà lao

                                                  Đến gần mới biết tường bao nhà giàu

 Lịch sử thì sao . Ăn cắp từ trong lịch sử,   thủ phạm lại là những trạng nguyên, những nhà ngoại giao. Chắc ai cũng biết nguồn gốc hạt Ngọc Mễ hay còn gọi là hạt Ngô được mang vào nước ta bằng cách nào. Cách đó có xứng đáng với tư cách của một  con người nổi tiếng trong lịch sử không. Dẫu vẫn biết ngài là người có công mang giống Ngô về cho nước ta nhưng không nhất thiết là phải bằng con đường trộm căp và trốn Hải quan như vậy.  Bởi dù gì thì hành vi ăn cắp nó vẫn là ăn cắp thôi, bất kể anh có viện lý do gì để bao biện cho động cơ ăn cắp của anh. Tôi còn nhớ câu chuyện nguồn gốc hạt Ngô được dạy từ hồi tôi học tiểu học, đặt một câu hỏi các bậc làm giáo dục.  Chẳng phải họ đang dạy một thế hệ trẻ ăn cắp???

Tôi sẽ không nói sâu đến việc rạch hành lý trộm đồ ở sân bay bởi báo chí đã đưa quá nhiều. Người ta sẵn sàng ăn cặp ở những nơi là bộ mặt của quốc gia thì ngán gì việc ra nước ngoài ăn cắp trong siêu thị của người ta. Nhìn mấy tấm biển cảnh báo ăn cắp được in bằng tiếng việt ở bên Nhật , bên Hàn .Chán chưa.

Người xưa có câu. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Thử hỏi ở nước mình kẻ bất chính có chừa một ai. Từ kẻ đầu bạc đến kẻ đầu xanh, từ người chức to đến người chức nhỏ, từ kẻ lành lặn đến người què quặt.  Hễ có cơ hội là họ ăn cắp, ăn cắp đến tối tăm mặt mũi. Ăn cắp không chừa một cái gì cả

Nhiều nhà tâm lý học, xã hội học  nghiên cứu hành vi ăn cắp như một loại bệnh lý. Nhưng tôi không quan tâm tới căn bệnh đó vì nó là biểu hiện của bệnh tâm thần .  Cái tôi quan tâm là  ở Việt Nam mình ăn cắp là một hành vi mang tính xã hội bởi hành vi trộm cắp có cả ở  những con người khôn ngoan có học vấn, có địa vị và được ngụy trang tinh vi với những mĩ từ đẹp đẽ.  Và một  xã hội suy đồi là đất tốt cho hạt giống ăn cắp này mầm và sinh sôi.

Cách điều trị ăn cắp. Hãy trong sạch từ trong tâm hồn của chính mình. Trong sạch từ trong hành vi và  công việc của mình. Hãy lấy mình làm tấm gương cho những người xung quanh mình. Phải chứng minh cho họ thấy rằng sống không trộm cắp hạnh phúc biết bao nhiêu, nhẹ đầu nhẹ óc biết bao nhiêu.  Hãy góp gạch xây nên một xã hội trong sạch ngay từ chính mỗi chúng ta. Nếu không thể thay đổi cả xã hội thì trước nhất hãy thay đổi chính bản thân mình. Dũng  cảm lên đừng sợ bị gọi là “ không biết thời thế”

 

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

BÀN VỀ TÍNH ĐỐ KỊ

BỆNH ĐỐ KỊ
Ôi sao nhiều bệnh thế này. Có người bảo tôi là “ sao anh toàn nhìn vào mặt tiêu cực vậy, anh phải nhìn vào mặt tích cực của xã hội chứ. Anh nhìn xã hội tiêu cực thế không sợ bị người ta đánh giá là anh đang sống bất mãn sao “?
Tôi có trả lời như thế này. “ thưa cô  : Có một câu chí lý thế này: Hay bàn luận về khuyết điểm của người khác thì anh là kẻ đạo đức thấp kém. Hay bàn luận về khuyết điểm của nhân loại thì anh là một nhà tư tưởng.” tôi không thể và cũng không dám nhận mình là nhà tư tưởng, nhưng tôi có một mong muốn nhỏ nhoi là những người đọc được những bài viết của tôi họ nhận ra họ sai ở một chỗ nào đó trong con người họ và  thay đổi được 1 điều gì đó tích cực,đó đã là thành công của tôi rôì. Và tôi cũng kết luận  là tôi nhìn vào mặt tiêu cực không có nghĩa là tôi là một kẻ tiêu cực. Tôi mà sống tiêu cực thì không đủ tỉnh táo  để nhìn ra những cái sai đó đâu cô gái ạ.
Bàn một chút về bệnh đố kị
Bệnh đố kị hay còn gọi là thói ghen ăn tức ở, hay theo ngôn ngữ mới là Gato, tục ngữ thì gọi là “ con gà tức nhau tiếng gáy”, “ ăn không được thì đạp đổ “ từ người lớn lẫn trẻ con đều có tính đố kị  và bằng kiểm chứng của tôi thì chính cha mẹ là người tiêm vào đầu con cái mình  cái tính đố kị xấu xa đó. Và rất nhiều gia đình còn hợp thức hóa đố kị dưới nhiều hình thức , từ ngồi buôn dưa lê nói xấu 1 ai đó trước mặt con cái , hay thấy người khác hơn mình một mặt nào đó thì túm lại soi xét khuyết điểm cho thỏa lòng  ghen tức. Thay vì phải dạy con cái mình sống đàng hoàng và cạnh tranh công bằng, nói lời hay ý đẹp. Một gia đình mà có cha mẹ đi đố kị với nhà hàng xóm thì thử hỏi sao con cái của gia đình đó không đi đố kị với bạn bè. “ con nhà tông không giống lông thì giống cánh, nòi nào giống đấy….” 
Phát hiện đố kị không khó bởi vì bản thân nó khá bốc mùi  vậy nên việc  ai đó đang thở những câu nói đố kị rất dễ cho chúng ta nhận ra bởi bản chất  nặng mùi đặc trưng của nó. Và  đố kị thì chỉ là biểu hiện bề ngoài của những điều sau đây
1: Đố kị là biểu hiện của sự hèn nhát yếu đuối, bất lực và ngu dốt.
Nếu có bản lĩnh  thì hãy kiên trì  học tập phấn đấu để hơn hẳn người ta đi, để người ta phải nể mình và phục mình và phải tìm đến mình học hỏi. . Tại sao phải ngồi nói xấu, buôn dưa lê, moi móc người ta. Làm như thế người ta chẳng có ảnh hưởng gì hết . Người ta không ngu đi, không nghèo đi, thì ngồi nói xấu người ta làm gì. Tính đố kị che mất ánh sang trí tuệ nên người đố kị cứ u mê và tối tăm mãi .
2: Đố kị là biểu hiện của sự xấu xa bỉ ổi .
Thái độ đố kỵ là tỏ ra khó chịu khi thấy người khác được hơn mình. Khi đi học, ghen ghét với người học giỏi hơn mình, khi đi làm  thì  đố kỵ với  người giỏi chuyên môn, được tín nhiệm, đạt nhiều danh hiệu cao quý hơn mình.  Sự nguy hiểm của tính  đố kỵ chính là ở chỗ ác tâm, mang lòng thù ghét, thậm chí nghĩ ra cách làm hại người khác để thỏa mãn thù hận của mình để rồi tự biến  thành những con người hèn kém, độc ác. Âu đó cũng coi như họ tự tước đoạt hạnh phúc của chính bản thân họ vậy. Có những ông chồng sau khi ly hôn vợ thấy vợ mình cặp kè với một người đàn ông khác thành đạt hơn, đẹp trai hơn mình sinh lòng đố kị đến đánh vợ, đe dọa người đàn ông kia. Tìm mọi cách phá hoại người ta. Cái tâm lý ăn không được thì đạp đổ nó ăn sâu vào máu của rất nhiều người. Không chỉ đơn thuần là vợ chồng khi ly hôn mà người yêu với nhau khi chia tay cũng thế. Biết bao vụ án đau lòng của chuyện tình cảm yêu đương, tình cảm vợ chồng nguyên nhân xuất phát cũng là cái tính đố kị của người cũ. Tôi không muốn lấy ví dụ vì nó quá nhiều và xảy ra hàng ngày.

3: Đố kị là biểu hiện của đạo đức thấp kém
Đố kị đa dạng về sắc thái, giàu có về cung bậc. Khi ai đó bàn luận về một người  nào đó có trình độ  thì sẽ có ngay một kẻ moi chuyện gia đình ra và nói.” Giỏi vậy mà gia đình không ra gì thì cũng không ăn thua” khi có người nói chuyện hay được người khác khen ngợi thì sẽ có ngay kẻ nhảy vào nói” ui trời, người nhà nó còn chẳng bảo được thì giỏi giang cái nỗi gì”. Và rồi  tìm hiểu, moi móc, rêu rao khiếm khuyết của họ, của gia đình họ . Không hiểu người những người kia có tước đoạt đi của họ miếng cơm manh áo nào không, mà họ phải đố kỵ đến thế. Không hiểu sự đố kỵ có sức hấp dẫn thế nào  khiến nhiều người dễ dàng biến mình thành kẻ hèn kém, tiểu nhân, biến những mối quan hệ đang yên lành trở thành thù hận, đang từ người thân quen thành ghanh ghét nhau như quân thù . Có lẽ, người ta thích đạp người khác xuống để che đi sự kém cỏi của mình, để khỏa lấp những “thiệt thòi” mà họ cho rằng số phận không ưu ái đối với họ.  Không ai tin rằng số phận sẽ may mắn  với những ai luôn đi gây mầm ghen ghét đố kị. Thấy con cái người ta giỏi giang mà đi nói xấu thì con mình cứ mãi mãi ngu dốt. Đây gọi là luật nhân quả  và đố kỵ không giúp ai tạo ra một kết quả tốt đẹp nào . Việc gièm pha hay kéo bầy đàn vào nhằm hạ uy tín, danh dự người khác, moi móc từ chuyện gia đình chuyện đời tư của người ta là việc làm vô đạo đức hết mức
4:  Đố kị là biểu hiện của tư duy vụn vặt không có tư duy lớn
Cái gốc của thói đố kỵ là xã hội  trọng tiêu chí hơn - kém, đúng - sai hơn là biết nhìn ra điểm khác biệt, ưu thế của mỗi cá nhân. Từ đó mà sinh ra so bì, đố kỵ, moi móc, rất sợ người ta hơn mình và không muốn người ta hơn mình, không dám thừa nhận năng lực kém.
Người ta hay để ý  nhau nên mới biết nhà kia có gì hay, có gì hơn của nhà mình. Nếu thấy người ta mua được cho con họ cái xe đạp điện thì mình cũng phải mua cho con mình một cái. Ở quê tôi giờ xe đạp điện rất nhiều nhưng tôi khẳng định rất nhiều trong số đó mua vì lòng đố kị vì tôi biết mấy gia đình đó cũng chẳng dư giả gì. Rồi người lớn thì . Thấy người ta xây căn nhà mới, nếu sau đó nhà mình cũng xây thì luôn cố gắng làm to hơn, cao hơn .Ngược lại, nếu mình không được thì sinh ra ganh ghét, so bì, thậm chí còn viện lý do để an ủi bằng những suy nghĩ nhỏ nhen kiểu "chắc nó lại được bố mẹ, anh em cho", “ nhà nó có người nước ngoài” "chắc gì tiền để làm những thứ ấy là trong sạch", "gió đến đâu mát mặt đến đấy”
Khi mà người ta coi cái gì của mình cũng là nhất. Con mình giỏi nhất, nhà mình giàu nhất, mình đi nước ngoài về là mình hoành tráng nhất,  nên khi thấy người khác hơn mình sẽ cảm thấy khó chịu. Cứ thế, thói đố kỵ làm người ta luôn  phải nhìn nhau, đề phòng nhau, hơn thua nhau. Dẫn tới hiệu quả làm việc sa sút. Chắc hẳn chúng ta ai cũng biết câu chuyện 1 người Việt Nam làm việc hơn 1 người Nhật bản nhưng 3 người Việt Nam thì làm việc lại không bằng 3 người Nhật Bản. Tôi thì chưa bao giờ tin 1 người Việt Nam  làm việc hơn 1 người nhật nhưng câu chuyện này cũng khiến chúng ta suy nghĩ về tính đố kị ghen ghét đang làm chúng ta nhỏ bé  hơn và không thể ra biển lớn với bạn bè quốc tế được.
Nếu không biết dừng lại, tính ganh đua sẽ trở thành tính đố kỵ, rất uổng phí một đời người vì không làm được nghiệp lớn.

5: Đố kị là trực tiếp tự mình khẳng định mình hèn kém hơn người ta
Một điều  hết sức dễ hiểu đó là. Người ta chỉ ganh ghét và khó chịu, bực tức khi người khác hơn mình, không ai ganh đua với người kém mình. Đó là quy luật. và người nào hay đố kị thì chúng ta cũng thừa hiểu rằng người đó không hơn được ai cả. Họ thật bất hạnh
Đố kị ở mỗi cá nhân thì nó là một tính cách nhưng một xã hội có quá nhiều cá nhân như thế thì nó sẽ thành trào lưu xã hội nhấn chìm tất cả những tài năng trẻ. Điển hình thời gian vừa qua là hiện tượng Nguyễn Hà Đông, Nguyễn Tử Quảng, Đỗ Nhật Nam … nhiều  … nhiều lắm. mọi người hãy để cho họ sống yên ổn làm ăn. Họ không đi xin tiền của quý vị. Ho cũng không làm ảnh hưởng tới cái lợi ích gì của quý vị , đừng xỉa xói châm chọc họ. Nhìn một tập thể bu lại như những con ruồi bâu xung quanh một nhân vật để xâu xé người ta từ chân tơ kẽ tóc mà buồn
Vậy chữa bệnh đố kị bằng cách nào .
Hãy học cách sống rộng rãi cởi mở từ trong tâm hồn. Hãy sống với nhau thật lòng và luôn luôn tôn trọng người khác, luôn sẵn sàng lắng nghe góp ý cũng như sẵn sàng học hỏi những điều mình không biết với 1 thái độ nghiêm túc và tích cực nhất. Như thế  căn bệnh đố kị sẽ bị diệt trừ từ trong tâm hồn của mỗi chúng ta


Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

BÀN VỀ BẢO THỦ VÀ CÁCH CHỮA BỆNH BẢO THỦ

Bàn về bảo thủ giống như việc ta đứng dưới gốc cây xoài mà đếm quả xoài vậy. Bảo thủ đúng hay sai, nên hay không nên vẫn là một chủ đề tranh luận muôn thuở. Và quan điểm của tôi  thì bảo thủ là sai ,sai hoàn toàn. Bởi lẽ xã hội phát triển đi lên vậy nên bảo thủ là nguyên nhân gây nên trì trệ.  Với  con người thì  bảo thủ  còn là thái độ không dám thừa nhận sai lầm, không dám phủ định cái cũ để xây dựng một cái mới hoàn chỉnh hơn, tốt đẹp hơn. Nguyên nhân của căn bệnh này là do con người ta bám vào một cái cơ sở khoa học không chắc chắn nhưng lại ngại thay đổi tư duy hay hành động để phù hợp với tình hình mới.
Cá nhân bảo thủ thì đầu óc tối tăm,  xã hội mà số người bảo thủ lấn át số người cấp tiến thì  xã hội đó không ngóc đầu lên được là lẽ đương nhiên.
Dấu hiệu nhận biết một người bảo thủ là khi  nói chuyện họ chỉ biết ôm khư khư những thứ mình có,  lúc nào cũng chỉ chăm chăm vào cái ý kiến của mình mà phớt lờ ý kiến của người khác và bỏ qua thực tiễn khách quan.  Đổi mới là điều họ rất khó chấp nhận.
Bệnh bảo thủ không chừa một ai từ người trẻ đến người già. Hồi còn ít tuổi tôi cứ nghĩ chỉ có người già mới bảo thủ, nhưng khi lớn lên thì tôi nhận ra người trẻ cũng bảo thủ không kém. Những ông cụ non ngoài  20 tuổi đời: Nhút nhát, cầu an, thụ động, chỉ biết ăn nhậu, và đua đòi theo thời thế. Họ sống như các ông già đã về hưu, họ  lập đi lập lại những giáo điều và chỉ biết vâng lời  hô vang những câu khẩu hiệu tuyên truyền xáo rỗng và cũ rích . Họ làm việc như một con ngựa bị bịt kín đôi mắt để chỉ nhìn thấy con đường một chiều trước mắt. Một khi  tư tưởng bảo thủ khi có được đủ thời gian phát triển mà không bị những tư tưởng cấp tiến đánh phá thì mặc nhiên nó sẽ tồn tại như một thực tiễn khách quan và được xã hội  chấp nhận. Điều này lý giải vì sao thanh niên thời nay  lười cống hiến,  sống ích kỉ ,thích chơi bời trác táng  nhiều đến như vậy, nguyên nhân cũng bởi sự bảo thủ trong cách giáo dục của gia đình và  xã hội. Xã hội mới con người mới cần có những cách giáo dục mới chứ không thể ôm khư khư mớ lý thuyết từ thế kỉ trước để áp vào thế kỉ này. Những người lớn tuổi thì còn bảo thủ hơn nữa bởi họ sợ  đổi mới thì sẽ mất chức mất quyền, mất lương mất lộc. Họ nhắm mắt lái một con tàu cũ trên một đường ray cũ để đến chân trời mới.  Giờ mà  thử đem những ý tưởng mới những quan niệm sống mới  ra  bàn luận với mấy người xung quanh đi. Tôi khẳng định bạn sẽ bị coi là dở hơi và bị mắng là mơ mộng hão huyền, ảo tưởng sức mạnh, thậm chí một số trường hợp còn  ghen ghét đố kị.  Tôi thấy đó là điều binh thường  bởi họ đang sống trong môt cái vỏ ốc và cái nhìn của họ không qua nổi mắt cá chân, nên cái vỏ ốc bảo thủ  sẽ giúp họ cảm thấy an toàn trước sự  thay đổi hàng ngày của xã hội.
Đối với cá nhân thì bảo thủ  còn thể hiện qua việc không biết đổi mới bản thân mình, không biết đổi mới  cái đầu của mình. Tại sao tôi lại nói vậy vì  ở cái thời buổi mà giao thông khá thuận tiện, khi mức sống được nâng lên đáng kể mà không chịu dành một quỹ thời gian đi du lịch đi đây đi đó, kết giao bạn bè  thì đó là biểu hiện của tư tưởng bảo thủ. Lật lại lịch sử việt nam thời cận đại. Nước ta tụt hậu biết bao nhiêu trăm năm cũng bởi chủ trương  bế quan tỏa cảng không giao thương đi lại với nước ngoài của vua tôi nhà Nguyễn. Trong  thời đại mà công nghệ số phát triển, sách online miễn phí trên mạng và phần mềm đọc sách trên mạng rất nhiều, dám  bỏ cả ngàn đô la ra để mua một chiếc smartphone mà trong điện thoại không có lấy một cuốn sách hay một phần mềm đọc sách thì  chắc chắn  cái đầu sẽ bị  trì trệ. Đừng nói với tôi là đọc báo và xem tin tức  nhé. Đọc báo và xem tin muôn đời thì kiến thức vẫn chỉ có thế thôi. Đây  là biểu hiện của tính bảo thủ. Bởi lẽ con người ta sống là phải đổi mới, không thể trì trệ được  nhất là cái đầu
Người bảo thủ hay đề cao kinh nghiệm của những người đi trước, dẫu vấn biết rằng kinh nghiệm vô cùng quan trọng nhưng nó chỉ mang tính tham khảo và  đừng bao giờ lấy nó ra làm khuôn vàng thước ngọc để rồi …                                              
                                                         Những cuốn sách một thời như sấm trạng
                                                         Giờ bán cân bà đồng nát mua về
                                                         Những qui phạm một thời như thước ngọc
                                                         Thành vết hằn ghi dấu sự ngô nghê.
                                                                                                                               (Trần Nhương)
Bảo thủ đồng nghĩa với tối tăm, khi mà cuốn sách “ Trí tuệ đám đông “ của tác giả James Surowieck giải thích về việc vì sao đa số thông minh  hơn thiểu số chúng ta mới nhận ra tầm quan trọng của việc biết lắng nghe và góp ý quan trọng như thế nào. Tôi vẫn thường hay nói với mọi người rằng” người khôn ngoan nhất là người biết lắng nghe ý kiến của người khôn hơn mình”
 Tôi sẽ lấy một ví dụ cho bài viết  bớt nhàm chán
Trong  khoa  Tử Vi   có câu  “Sao Thai mà ngộ Đào hoa, tiền dâm hậu thú mới ra vợ chồng” nghĩa là cung Phu trong lá số Tử Vi   mà có sao Thai và sao Đào hoa đồng cung thì phải tiền dâm hậu thú mới ra vợ chồng. Thử xem bây giờ có ai lập gia đình mà không tiền dâm hậu thú. Tiền dâm hậu thú bây giờ không còn là chuyện  ghê gớm như ngày xưa nữa . Ông thầy xem Tử Vi nào mà cứ bảo thủ những gì trong sách nói và nhất nhất luận theo những gì trong sách xưa viết thì thật là ngây ngô
Biết bao nhiêu cô gái về nhà chồng sống tủi khổ vì tính cách bảo thủ của chồng và của nhà chồng. Chúng ta  bàn luận về “trinh tiết” đến bao giờ đây khi mà đàn ông thường xuyên ra ngoài “đổi gió” , rồi khi yêu thường đòi hỏi chuyện quan hệ  với bạn gái nhưng đêm tân hôn lại đòi hỏi vợ mình còn  nguyên vẹn. Tôi cũng là đàn ông vậy nên đừng nói  với tôi rằng đó là nhu cầu sinh lý . Tôi thấy đó là tính bảo thủ và ích kỉ thì đúng hơn .
Tôi có anh bạn vật vã, đau khổ và không hạnh phúc vì đêm tân hôn vợ mình không còn ….. trong khi tôi biết anh ta đã từng làm cho vài cô gái không còn…. trước khi quyết định lấy vợ.  Thật là “Không thể hoãn cái sự đau xót này lại được 
Biết bao nhiêu người con không phát huy được tài năng chỉ vì tính bảo thủ của bố mẹ cứ nhất nhất áp đặt con cái mình phải thế này phải thế kia.  Khỏi cần phải liệt kê vì xung quanh chúng ta những ví dụ đó quá nhiều
Chữa bệnh bảo thủ thì khó lắm, phải chữa từ từ .Bước đầu hãy  tôn trọng ý kiến của người khác và lắng nghe ý kiến của mọi người sau đó thì hãy công bằng trong việc  tiếp thu ý kiến góp ý, đừng sợ sai. Rồi sau đó ai có smartphone thì hãy dowload vài phần phềm đọc sách điện tử về. làm được như vậy là chúng ta đã đặt được 1 viên gạch để xây lên một xã hội cấp tiến rồi


Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

BÀN VỀ BỆNH GIẢ DỐI VÀ PHƯƠNG THUỐC CHỮA BỆNH GIẢ DỐI

Ở nước mình có hoa Sen là quốc hoa, có bài hát “ Tiến Quân Ca” là quốc ca và có căn bệnh giả dối  là quốc nhục
Giả dối hiện nay trở thành nỗi nhục trong khi truyền thống dân tộc Việt Nam là một dân tộc kiên cường bất khuất. Tôi có biết 1 câu nói rất hay về giả dố  đó là :” khi giả dối  được lặp lại đủ nhiều thì nó sẽ trở thành sự thật “  và ở xã hội hiện tại cái gì là thật cái gì là giả  thực sự rất khó phân biệt, và ranh giới giữa sống trung thực và sống giả dối cũng rất mong manh
Trung thực thế nào được khi mà người ta hàng ngày phải sống trong một môi trường giả dối mà minh chứng rõ nhất là tiền lương công chức. Chẳng ai sống nổi bằng lương nhưng rồi ai cũng sống đàng hoàng, dư giả.
Chính cái giả dối tràn lan khiến người ta không còn thật sự tin vào bất cứ điều gì nữa. Câu hỏi thường trực bây giờ: Tốt để làm gì? Sạch để làm gì? Quên mình để làm gì? Xả thân chống lại cái xấu, cái giả để làm gì? Liệu rồi có ai, có cơ chế nào bảo vệ những nỗ lực đạo đức đó không? Hay rồi cũng bị cả tập thể nghiền nát theo câu khẩu hiệu “ thiểu số phục tùng đa số”
Khi sự giả dối được miêu tả bằng những  câu châm ngôn thì nó nghiễm nhiên trở nên bình thường và được mọi người đón nhận  điển hình là câu :“thật thà ăn cháo, bố láo ăn cơm” hay câu “ thẳng thắn thật thà thường thua thiệt, lỗi lầm luồn lót lại lên lương” . Người ta hay dùng  những câu như thế  đó để biện bạch cho những hành vi sai trái của mình và cũng dùng câu nói đó để nói  những người sống thật thà rằng  “sống thật thà như thế thì chỉ thiệt thòi thôi, hãy sống giả dối đi ”. Thật là đau lòng khi những câu nói đó tuôn ra từ miệng những người đáng tuổi làm cha làm mẹ, làm ông làm bà nói với người đáng tuổi con cháu mình. Chẳng phải đang dạy người trẻ sống giả dối sao.
“Thời buổi này làm gì có ai sống bằng lương”. Đó là câu cửa miệng của hầu hết mọi người. Lẽ dĩ nhiên nhiều người trong số đó ngoài lương ra họ có những thu nhập khác chính đáng để có thêm thu nhập. Nhưng cũng có vô cùng nhiều những người thì lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để kiếm những đồng tiền bất chính, những đồng tiền hôi tanh chứa đầy hận thù và oán thán. Thế nhưng họ vẫn tiêu đồng tiền đó  khỏe re không một chút cắn rứt lương tâm .  Về điều này chắc tôi không cần phải lấy ví dụ
Căn bệnh giả dối đang thống trị xã hội. Nó len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, nó hòa mình vào trong tất cả những ngành nghề từ bình thường nhất đến những nghề tưởng chừng như là cao quý nhất.
Minh chứng cho điều này chắc ai cũng biết hai từ “ nói thách” vốn rất phổ biến. Tại sao người ta phải nói thách mà không phải là nói đúng giá. Tôi định nghĩa “ nói thách” rất đơn giản: “nói thách” tức là nói dối, là nói điêu, là nói không trung thực mức giá mà sản phẩm của mình cung cấp nhằm mục đích trục lợi khi người mua không biết giá trị thực về sản phẩm của mình. Giờ thử ra ngoài đường mua một cái gì xem có bị nói thách không. Đấy là chưa kể khi đi du lịch

Rồi tới chuyện an toàn tính mạng cho chính bản thân mình người ta cũng giả dối. Họ giả dối với chính bản thân họ. Thử ra đường mà xem mấy ai đội mũ bảo hiểm đủ tiêu chuẩn và hãy thử hỏi những người đôi mũ bảo hiểm giả họ trả lời như thế nào. Tôi đã hỏi 10 người và nhận được 8 câu trả lời giống nhau là” đội vào để đối phó công an” 2 câu còn lại là mua đồ giả rẻ tiền ở ngoài đường đội để có mất thì đỡ tiếc. Tại sao tính mạng của mình mà mình lại đối phó với nó, tại sao mình tiếc chiếc mũ hơn tiếc mạng sống của mình. Bản thân những người đó giả dối với  chính họ thì đòi hỏi họ trung thực được với người khác là chuyện mơ hồ
Ở nước mình giờ đang tồn tại một nghịch lý là bằng cấp thật nhưng trình độ giả, bằng giả thì mua rẻ như mua rau. Thử lên google gõ từ khóa “ làm bằng….” sẽ ra khoảng 35500000 kết quả. Dịch vụ này có vẻ như  rất ăn ra làm nên  với những dòng quảng cáo như” đảm bảo phôi và con dấu  thật 100%”  bằng giả mà sao dám khẳng định chắc chắn như vậy. Ai là người sử dụng những mảnh bằng này, họ sử dụng để làm gì…. Thử vào một lớp học đại học tại chức ngồi học thử 1 buổi sẽ có cảm nhận chân thật nhất về sự dối trá  khỏi phải đọc bài viết này của tôi làm gì.
Nổi cộm nhất thời gian vừa rồi là vấn đề giấy khen của học sinh mầm non và tiểu học. Chưa bao giờ giấy khen lại rẻ mạt như lúc này, người người đi học là có giấy khen, nhà nhà treo giấy khen ở phòng khách. Một đất nước toàn người tài giỏi vừa hồng vừa chuyên thế này mà lại xếp hạng đội sổ so với các nước trong khu vực. Có cái gì đó thật là mâu thuẫn. Và mâu thuẫn này sẽ còn tồn tại khi mà người ta còn dối trá với nhau để “ thi đua đạt thành tích tốt “, để “ chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục “
“Sự giả dối tồn tại ở xã hội Việt Nam lâu rồi”. Ngay trong lãnh vực giáo dục, ông phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phụ trách các mặt văn hóa-giáo dục cũng khẳng định là tình trạng thiếu trung thực trong giáo dục là bệnh lớn nhất tại VN. Căn bệnh này không chừa một ai từ người già đến người trẻ, từ đàn ông đến phụ nữ từ người có quyền lực đếnngười  không có quyền lực dẫn tới một thực trạng là “Nhà dột từ nóc dột xuống”, nếu người trên không thành thật thì không thể dạy người dưới thành thật được. Nếu người làm chính sách mà không thành thực thì sao có thể đòi hỏi người thi hành trung thực được đây .
Mà giáo dục là gì? Giáo dục là dạy cho con người trở thành người. Nó dạy cho con người phải có đạo đức. Mà cái đầu tiên của đạo đức là chân thật. Giả dối thì trái ngược lại, là phản giáo dục.  Khi con người ta không có thói quen thành thật thì sẽ không có thói quen về danh dự mà khi  mất khái niệm danh dự thì khó giữ được đạo đức. Không có đạo đức thì xã hội suy đồi là điều dễ hiểu.
Khổng Tử có câu: "Dân vô tín bất lập" nghĩa là người không có thành tín thời không có thể nào đứng nổi. Sách Tây có câu: "Tin thực là một cục vàng vô giá", nghĩa là người ở  đời không có gì quí trọng hơn tin thực. Kỳ lạ thay  cho người nước ta thì  lại đua nhau giả dối!
Tìm được phương thuốc để điều trị căn bệnh này thực không dễ  nhưng theo hiểu biết nông cạn của tôi  thì gần 100 năm trước chí sĩ Phan Bội Châu trong cuốn 10 thang thuốc chữa bệnh cho dân tộc Việt có 1 đoạn bàn về chữa bệnh giả dối. Xin được trích ra đây để cùng tham khảo . Hy vọng với tầm ảnh hưởng của cụ và những giá trị cụ đóng góp cho dân tộc sẽ có tác động và điều trị tận gốc căn bệnh giả dối trong xã hội.
….Chẳng những ngoài đối với xã hội, trên đối với quốc gia, gốc cây trăm năm đã bị con
mọt giả dối kia đục đổ, bức thành muôn dặm đã bị con mọt giả dối kia xoi tan, mà lại
trong đối với một nhà, dưới đối với một mình cũng mắc con ma bệnh giả dối đó đục
thấu cao hoang, khoét vào cốt tủy. Tay dối lòng, miệng dối dạ, ăn bánh vẻ mà toan đầy
bụng, mặc áo giấy mà đi với ma, kết quả không việc gì là thật. Bệnh giả dối đó mà
không chừa, còn mong gì nước ta phú cường được? Xưa nay đất tốt mới vắt nên khuôn,
đồng tốt mới vắt nên tượng, người tốt mới làm nên sự nghiệp lớn, mà lòng tin thực đó
là chất rất tốt của con người. Lời tục ngữ có câu: " ngay thật mọi tật mọi khỏi".
Sự ngay thật đó là bộ xương sống của thân thể người; nếu người không có xương sống
mà muốn tay chân đẹp đẽ mạnh mẽ, có lẽ nào được? Vậy nên muốn làm người tốt cần
thứ nhất là lòng thành thực. Nói một tiếng tất thành thực, dầu ngoài muôn nghìn dặm,
mà lời vàng ngọc không bao giờ phai; làm một việc tất thành thực, dầu trải mười trăm
năm mà dạ sắc son không bao giờ dời đổi. Mình đã dốc một lòng thành thực như thế
thời phẩm hạnh mình càng ngày càng chắc, thanh giá mình càng ngày càng cao, ngưòi
ta tin dụng mình ngày càng nhiều, mà thế lực mình lớn thời có việc gì không làm nên. Vì
vậy trong bài thuốc "tự lập" cốt ở chữa chứng bệnh giả dối, tất phải dùng vị thuốc này:
"Lòng thành thực" mười phân già.
                                      Kính cẩn nghiêng mình trước cụ Phan Bội Châu

                                      Yên Quang , Ý Yên, Nam Định 05/06/2015

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

BÀN VỀ MẠNG XÃ HỘI, NẶNG LỜI NHƯNG THUỐC ĐẮNG GIÃ TẬT

Khi sự giả dối kí sinh trên mạng xã hội, khi sự khoe mẽ lợi dụng mạng xã hội để lan tràn như dịch bệnh .
Mạng xã hội là môi trường lý tưởng. là mảnh đất màu mỡ cho sự giả dối và khoe mẽ lên ngôi. Có tin được không những điều mà người ta nói trên mạng xã hội, đánh giá thế nào về những kiểu ảnh mà họ đưa lên. Cá nhân tôi không quan tâm tới nội dung những bức ảnh ảnh hay hàm ý những câu statut . Cái tôi quan tâm là khi họ đưa những thứ đó lên mạng thì trong đầu họ lúc đó nghĩ gì
Dạo một vòng quanh tường của mình. Để xem chúng ta bắt gặp những gì nhé. Anh này đi ăn ở chỗ này chỗ kia, cô này mới đi chơi với bạn bè về, bạn này mới chia tay người yêu, bạn kia mới đi liên hoan chụp cả mâm thức ăn to đùng ……….
Kéo lui xuống chút nữa là những lời chúc mừng sinh nhật đại thể như  snvv, hpbd, …. Kèm theo vài lời chúc mà sẽ chẳng bao giờ thành sự thật đại thể như chúc bạn gặp nhiều hạnh phúc, chúc bạn đạt được cái này đạt được cái kia …. Nhiều thứ chúc lắm và  cá nhân người được nhận những lời chúc đó cũng chẳng thấy cảm động và biết ơn những lời chúc đó tý nào nên họ gửi lời cảm ơn cũng nhạt nhẽo đúng như cách họ nhân lời chúc….
Rồi sao nữa nhỉ. Có cô cãi nhau với người yêu thì lên mạng nói xấu người yêu rồi được bạn bè  chia sẻ nỗi đau bằng vài lời động viên an ủi dài không quá 20 kí tự đại thể như " cố lên bạn ơi", "đừng buồn nữa", "mọi chuyện rồi sẽ qua", "còn nhiều cơ hội mà"…….v..v
Rồi có mấy bạn bán hàng cũng tranh thủ lên facebook bán hàng. Bằng mấy lời rao vặt trên tường của mình cá nhân tôi đã từng bán hàng trên mạng và tôi khẳng định hình thức quảng cáo hay tiếp thị này hoàn toàn vô giá trị. Một khi đã bán hàng trên mạng thì phải vào các web bán hàng chuyên nghiệp hoặc chí ít cũng phải SEO từ khóa trên facebook thì may ra mới có khách hàng. Đưa thông tin lên nhận vài chục like của bạn bè và vài lời bình luận hời hợt của mấy người ghé thăm mà chắc chắn  mấy người đó không bao giờ mua hàng. Không biết khi đưa những thông tin đó lên thì chủ thể nghĩ gì bởi vì  hoàn toàn không có hiệu quả bán hàng . Có chăng là gián tiếp thông báo  cho bạn bè mình biết bình đang làm cái này làm cái kia
Còn gì nữa nhỉ.  Kể sơ sơ thôi chứ nhiều lắm.
Quay trở lại vấn đề mạng xã hội . Tại sao nó lại là mảnh đất màu mỡ cho sự dối trá và khoe mẽ  thỏa sức sinh sôi nảy nở,
Bởi lẽ con người ta nhìn nhau qua ảnh, nói chuyện qua statut và liên lạc qua inbox. Sự đơn giản và thuận tiện nếu không biết sử dụng đúng cách thì nó là liều thuốc độc hủy hoại tâm hồn. Đơn giản biết bao khi bạn bè mình sinh nhật chỉ cần gõ đúng 4 kí tự SNVV hay HPBD. Còn gì đơn giản hơn khi chia buồn với người khác bằng 1 commen, động viên an ủi người khác băng 2 dòng stt,  và chửi bới lăng mạ 1 ai đó  bằng 3 dòng đánh máy và 1 cú click.
Khi đời sống ngày càng trở nên nhạt nhẽo,đạo đức xã hội suy đồi con người ta thường không biết phải tin vào điều gì  thì người ta càng dễ mất đi những sự lãng mạn, kiên nhẫn… Vì thế người ta  tìm đến mạng xã hội để thỏa mãn nhu cầu của chính mình để  khẳng định cái tôi, giữ liên lạc với bạn bè. Bên cạnh đó, tôi cho rằng nhiều người  tìm đến thế giới ảo còn vì sự cô đơn và lo lắng… Trên thế giới ảo, nó có thể “ru ngủ”, làm cho bạn trở nên tự tin, bạn được là chính mình mà chẳng ai biết bạn là ai.
Một  người có thể không có nhiều tiền nhưng khi nhìn thấy tiền của người khác liền chụp ảnh số tiền đó cùng với mình trong đó và đưa lên mạng. Mục đích như thế nào thì chắc chỉ có người đưa lên mới biết nhưng giá trị của sự chân thật thì người xem cũng không có cách gì để kiểm chứng. Hàng ngày gặp rất nhiều người thân bạn bè đưa những bức ảnh đứng cạnh siêu xe này siêu xe kia, đứng ở quán ăn này quán ăn kia. Tôi không hiểu họ đưa những bức ảnh đó lên nhằm mục đích gì,muốn gửi gắm thông điệp gì cho mọi người. hay chỉ đơn thuần là đưa lên cho vui.
Không ít người, đặc biệt là những người trẻ xem các trang mạng xã hội là ngôi nhà của mình. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp một xã hội thu nhỏ với đủ đầy đủ buồn vui tủi khổ  trên các trang mạng xã hội.
Tôi có 1 người bạn. 1 năm trở lại đây anh bạn đó thường xuyên post ảnh lên facebook. Tất cả những kiểu ảnh đó đều chụp lại những bữa ăn. Những đĩa thức ăn ăn dở, những cốc café uống dở …..và những dòng stt cụt lút.  
Những điều này cho thấy việc sử dụng Facebook một cách vô tội vạ, thiếu sự chọn lọc. Ở một góc độ nào đó, nó cũng bộc lộ việc khoe mẽ, việc thiếu cân nhắc, thiếu kiểm soát chính mình. Đó là biểu hiện của sự non kém trong văn hóa cơ bản, trong văn hóa thể hiện. Ở một góc độ khác nó cho thấy sự nghèo nàn về đời sống tinh thần, cằn cỗi trong văn hóa sống.
Mạng xã hội có xấu thế không,không nó không xấu, nó là sản phẩm của trí tuệ là sự đánh dấu bước phát triển của xã hội thời công nghệ số, nó giúp mọi người giữ liên lạc với nhau được hiệu quả và thông tin nhanh chóng  …. Nhưng người dùng đã lạm dụng và làm xấu nó.
Vậy làm thế nào để vẫn dùng mạng xã hội mà tâm hồn luôn  tươi mới  và chăm sóc sao cho màu mỡ kiến thức ?
1  Đọc sách, thay vì cắm cúi vào facebook
Đó là lời khuyên của đại gia công nghệ tuổi 30, người sáng lập ra fb, Mark Zuckerberg. Mark đã quyết định chọn đọc sách là ưu tiên hành động cho năm mới 2015. Theo đó, anh thành lập một chuyên trang riêng trên fb có tên “A year of book”. Trên chuyên trang này, Mark cùng các thành viên sẽ trao đổi về những cuốn sách mà họ đánh giá là tâm đắc. Tiêu chí chọn sách để trao đổi đó là những cuốn sách trau dồi kiến thức về các nền văn hóa đa dạng, về tín ngưỡng, lịch sử và công nghệ. Đều đặn hai tuần một lần, họ sẽ bàn về một cuốn sách khác nhau.
Mark chia sẻ rằng: “Tôi thấy việc đọc sách là để hoàn thiện trí tuệ. Sách giúp bạn khám phá toàn diện một chủ đề và đắm mình sâu hơn hầu hết các phương tiện truyền thông hiện đại. Tôi mong chờ mọi người sẽ đọc sách nhiều hơn thay vì cắm cúi vào phương tiện truyền thông của tôi”.
2  Viết sách thay vì viết stt. Hãy nhớ 1 cuốn sách dày hay mỏng không quan trọng, hấp dẫn hay không hấp dẫn cái đó tùy vào đánh giá của từng người nhưng nếu bạn viết được 1 cuốn sách thì đẳng cấp của bạn lúc đó sẽ hoàn toàn khác hoàn cảnh hiện tại của bạn. Và một điều quan trọng hơn là thay vì 1 ngày viết 5 dòng stt thì ta sẽ viết 5 dòng vào trong nhật kí của mình.  Sau 1 năm là sẵn sàng có 1 cuốn sách chào đời rồi.
3. Đi du lịch chụp ảnh thiên nhiên và mình thay vì chụp ảnh tự sướng trong quán ăn và những bức ảnh phùng má trợn mắt cùng mấy cô bạn ở khu du lịch. Bạn sẽ trở nên yêu thiên nhiên yêu đời hơn và không bao giờ quên những kỉ niệm đẹp trong mỗi chuyến đi. Vài năm sau khi mở ảnh ra bạn vẫn có thể nhớ lại khung cảnh của mấy năm về trước. Nếu chụp ảnh tự sướng bạn sẽ nhớ rất ít. May mắn hơn nữa nếu bức ảnh bạn chụp đẹp thì hoàn toàn có thể đi thi. Không ai đem ảnh tự sướng đi thi cả cho dù bạn có xinh đẹp đến đâu.
5. Sinh nhật người khác thay vì chúc người ta 1 câu trên tường thì hãy gọi điện chúc mừng, hoặc chí ít cũng bỏ ra khoảng 5 phút ra để nhắn tin  với người đó. Hãy để họ ấn tượng về bạn là một người chu đáo và quan tâm tới họ thật lòng, đừng nói với tôi là bạn bận rộn đến mức không có nổi 5 phút nhé. Còn nếu không muốn chúc thì thôi. Đừng làm trò mèo.
6 Khi bạn bè đau ốm bệnh tật và họ đưa ảnh của họ lên. Thay vì commen ở bên dưới  như những người khác. Hãy gọi điện thỏi thăm họ, và nếu có thời gian thì nên dành 1 buổi tối đến chơi với họ. Đừng commen dưới những bức ảnh như mọi người. bạn không thể nổi bật được trong mắt mọi người nếu bạn không có những phương pháp khác biệt. Hãy sống thật lòng với nhau, quan tâm thật lòng với nhau. Đừng dối trá. Đạo đức cao nhất của con người nằm ở nơi việc làm chứ không phải ở vài dòng commen.

Và cuối cùng. Đừng bao giờ nhận đồ của người khác là của mình. Mình thế nào thì cứ là thế đi. Xe đẹp nhà đẹp , phụ nữ đẹp  mà không phải là của bạn thì bạn có chụp 1000 kiểu cùng với nó thì nó cũng không thuộc về bạn đâu. Sống thực tế đi.