Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

Văn hóa ngồi


Ngồi ghế hay ngồi bệt

Ngồi thì phải có ghế chứ. Không kiếm được cái ghế to thì cũng phải có cái ghế nhỏ. Không có ghế thì chỉ còn nước ngồi bệt thôi.

Nếu nói ngồi là dễ  thì sao nhiều người cả đời tìm một chỗ để ngồi mà cuối cùng chẳng có đành phải ngồi bệt.  Nếu nói là khó vậy mà sao biết bao người vô  dụng  lại được chễm chệ ngồi chỗ cao, ăn trên ngồi chốc.  Ngồi lù lù ở đó  bất chấp người đời chửi rủa cười chê. Có mâu thuẫn gì không khi mà với nhiều người việc ngồi lỳ một chỗ được xếp sẵn  ở một vị trí mà lẽ ra họ không xứng đáng được ngồi lại là một điều đơn giản.

Có một nhà văn từng nói. Kiếm tiền là tài năng nhưng tiêu tiền là văn hóa. Còn tôi thì cho rằng leo lên một chiếc ghế là tài năng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, còn ngồi trên chiếc ghế đó là văn hóa theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Ngồi có quan trọng không. Quan trọng chứ, từ bé phải học lẫy rồi học bò sau đó mới học ngồi. Rồi biết đi đứng. Lớn lên thì ngồi ăn cơm với gia đình được bố mẹ dạy bảo phải ngồi như thế này  thì mới đàng hoàng  ra dáng con người có tư cách. Ngồi như thế kia   là giống phường trộm cắp bất chính, tiện cách. Vậy nên có câu ăn trông nồi ngồi trông hướng là vậy. Lớn hơn tý nữa đi học thì ngồi ở ghế nhà trường. Ra trường thì ngồi ở cơ quan này cơ quan kia, xong  việc thì ra đường ngồi vỉa hè uống trà đá, uống xong thì ra quán bia ngồi nhậu, nhậu xong về nhà  ngồi xem tivi. Sáng hôm sau lại ngồi lên xe lái xe đi làm.  Hầu hết thời gian con người ta dành cho việc ngồi. Có những chỗ ngồi vô thưởng vô phạt nhưng có những chỗ ngồi làm cho người đời điêu đứng. Có những chỗ ngồi làm nên  một nét văn hóa xấu xí cho cả xã hội.  Có những chỗ ngồi đem lại hạnh phúc cho mọi người nhưng cũng có những chỗ ngồi làm cho người đời kinh bỉ và nguyền rủa.  Vậy thì nguyên nhân tại cái chỗ ngồi hay tại cái ghế hay tại cái mông, ….

Chẳng tại cái gì cả. Tại cái văn hóa của người ngồi thôi.  Ai cũng  có thể chọn chỗ ngồi cho mình và phải  chịu trách nhiệm về cái chỗ mình ngồi.  Khi mà người ta ngồi lên xe máy mà không đội mũ bảo hiểm thì cũng là việc ngồi  và ngồi như thế thì người ta phải chịu trách nhiệm về những rủi ro xảy ra khi mà xe có va quệt, không thể đổ lỗi cho người khác được vì chính họ trước khi ngồi lên xe họ đã chọn như thế.  Rồi  ra ngã ba, ngã tư  ngồi  buôn chuyện và thuật ngữ trà chanh chém gió được ra đời, những cái gì được ví với gió sẽ hời hợt và không có độ sâu, những câu chuyện xung quanh cốc trà đá thì cũng thế thôi. Hoặc lớn hơn tý nữa là chỗ ngồi địa vị . Không thể nào khi người khác tìm đến cái chỗ  nơi có mình ngồi đó hỏi về một nhiệm vụ trong phạm vi cái chỗ ngồi của mình  mà mình nói không biết rồi chỉ lòng vòng chỗ này chỗ khác. Ngồi như thế người ta gọi là bù nhìn. Nghĩa là có mắt mà như mù, có tai mà như điếc. ngồi như thế giống một đống thịt đặt  trên một khúc gỗ. Những bộ comple đẹp mặc trên người họ cũng chỉ như bộ quần áo đẹp treo lên cái mắc áo mà thôi . Tiếc thay những đống thịt như thế nhiều lắm.

Có những chuyện lẽ ra là rất lạ nhưng nó lại đang hiện diện như một điều bình thường. có những chỗ ngồi lẽ ra không nên ngồi nữa mà phải để người trẻ hơn thay thế vị trí . Thế mà người ta vẫn cố ý ngồi bằng nhiều cách khác nhau. Khai gian tuổi, cậy mình có công lao thế này thế kia…. để ngồi lỳ  và dĩ nhiên, ngồi lỳ có nhiều lợi lộc lắm nên người ta bất chấp để ngồi mặc cho bao người  chửi  là đồ ăn hại.  Cái loại này nhiều vô số kể. Xung quanh chỗ ngồi của những kẻ ngồi lỳ đó là sặc sụa mùi tiền, mùi gái, mùi phấn son đàn bà…..

“Dù thế nào thì chúng nó vẫn ngồi.”  .Cũng giống như câu của nhà thiên văn học Galile đã nói trước khi lên giàn hỏa thiêu. “ dù thế nào thì trái đất vẫn quay” . Như một chân lý đang hiện diện ở đất nước tôi. Thật là đau lòng thay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét